Rùng rợn “thủy quái” kì lạ không rõ lai lịch Zuiyo-maru

“Thủy quái” Zuiyo-maru là một trong những cái tên bí ẩn nhất khiến giới khoa học đau đầu trong việc xác định “lai lịch” cho nó.

Xác con “quái vật” được một số người chụp và vẽ lại. (Ảnh: Internet)

Vào 25/4/1977, một nhóm ngư dân đã phát hiện ra xác chết một con “quái vật biển” khổng lồ. Họ không biết nó là gì, bèn đặt tên là Zuiyo-maru - tên của con tàu mà họ đang dùng để đánh bắt cá. Một số thủy thủ khác lại đặt cho nó là Nessie.

Cận cảnh cái xác đang trong quá trình thối rữa. (Ảnh: Internet)

Theo những người am hiểu trên tàu khi đó, họ cho rằng đây là một loài khủng long còn sót lại từ thời cổ đại. Lập tức, họ liền báo với thuyền trưởng Akira Tanaka. Tuy nhiên, lo ngại không thể đánh bắt đủ số lượng cá như ban đầu đề ra, cũng như để cái xác trên tàu sẽ có mùi hôi thối, vị thuyền trưởng đã ra lệnh vứt lại con “quái vật” xuống biển.

Nó chết khoảng 1 tháng trước khi phát hiện. (Ảnh: Internet)

Thế nhưng, một vài người trong đó vẫn đủ nhanh trí để chụp lại hình ảnh. Người nào không có máy ảnh thì vẽ lại xác. Thậm chí, có người còn tiến hành đo đạc lại kích thước của nó, đồng thời mang một số mẫu vật xương, thịt… rồi ướp lạnh, đưa về cho các nhà khoa học nghiên cứu.

Từ những hình ảnh ghi lại cho thấy, “quái vật” có 4 chiếc vây lớn nằm ở bên thân, chiếc cổ dài, không có vây lưng như cá (có thể bị mất) và miệng như khủng long. Còn theo đo đạc, nó dài khoảng 13m, đuôi dài 2m, nặng khoảng 1,8 tấn…

Hình đồ họa mô phỏng con vật. (Ảnh: Internet)

Ngay sau khi mẫu vật được đưa về, các nhà khoa học nhanh chóng xác minh. Kể từ đây, một cuộc tranh cãi nổ ra bởi chưa thể xác định được loài gì.

Giáo sư Tokio Shikama từ Đại học Quốc gia Yokohama nhận định rằng, đây là loài Plesioraus hay còn gọi là thằn lằn cổ rắn – loài chỉ xuất hiện ở kỉ Jura và đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm. Tiến sĩ Fujiro Yasuda từ Đại học Tokyo cũng có chung nhận định này. Thế nhưng, con vật mà nhóm thủy thủ tìm thấy lại chết chỉ khoảng 1 tháng.

Còn đây là một số đặc điểm trên cơ thể được vẽ lại. (Ảnh: Internet)

Cũng từ đây, một nhóm các nhà khoa học khác, đứng đầu bởi Tadayoshi Sasaki Shigeru Kimura của Đại học Tokyo cho rằng thực chất “quái vật” chỉ là loài cá nhám phơi nắng (Basking shark), loài cá lớn thứ 2 còn tồn tại sau cá mập voi. Tuy nhiên, hình dáng con vật lại không cho thấy điều đó.

Để mang tính xác thực hơn, cả hai nhóm nghiên cứu đã hỏi thuyền trưởng tàu Zuiyo-Maru chỗ vứt xác, sau đó tiến hành tìm kiếm. Tuy nhiên, họ không thể gặp được “quái vật” này thêm lần nào nữa.

Con tàu phát hiện ra “quái vật”. (Ảnh: Internet)

Kể từ đó đến nay, Zuiyo-maru vẫn thường được nhắc đi nhắc lại như là một trong những loài không rõ lai lịch, là bí ẩn của thế giới động vật.

Theo SKCĐ

Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét