Hốt bạc từ nghề huấn luyện chó câm

Để huấn luyện một chú chó bình thường đã không dễ, việc dạy bảo những chú chó không biết sủa còn khó khăn hơn rất nhiều. Nó đòi hỏi những người huấn luyện phải có tính kiên nhẫn, nhạy bén, khéo léo và dũng cảm.

Nguy hiểm, vất vả nhất khi làm “quân xanh”.

Chó được học… ngoại ngữ

Song song với trào lưu chơi thú cưng có “học vấn”, nghề gõ đầu chó bỗng trở nên có giá. Theo đó, các khóa huấn luyện chó cũng phát triển đa dạng, từ cơ bản đến nâng cao. Mỗi khóa học như thế thường kéo dài 3, 4 tháng, với chi phí từ 7 – 12 triệu đồng, tùy từng độ tuổi, giống chó và đặc thù khóa học.

Khi theo học, các “học trò 4 chân” sẽ được đào tạo bài bản theo một giáo trình quy củ và nghiêm ngặt. Để đảm bảo trước khi tốt nghiệp, các chú chó phải thuần thục các kỹ năng đã học, từ đơn giản: đi, đứng bằng hai chân; nằm, ngồi ngay ngắn; bò, trườn, bắt tay, chào… đến phức tạp: nhận biết nguy hiểm, bảo vệ chủ hay canh gác đồ vật…

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều trung tâm còn kiêm luôn cả việc chăm sóc, làm đẹp và dạy ngoại ngữ cho chó. Các câu lệnh như: đi, đứng, nằm, ngồi, chào… sẽ được thay thế bằng tiếng Anh như: Go, stand, sitdown, hello… để các “học viên đặc biệt” ghi nhớ.

Cùng với đó, các huấn luyện viên sẽ có một khoản thu nhập không nhỏ. “Với 3 năm kinh nghiệm, bình quân mỗi tháng mình nhận được 10 – 12 triệu đồng. Tất nhiên, mức thu nhập này còn phụ thuộc vào từng thời điểm và số lượng học viên”, một huấn luyện viên tại trung tâm PDS (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ.

Khổ với chó mắc bệnh “không biết sủa”

Đến đây, các chú chó sẽ được huấn luyện chuyên nghiệp.

“Công việc này thú vị là vậy nhưng cũng có trường hợp dở khóc dở cười. Có những chú chó được đưa đến đây vì tính tình quá thân thiện. Đã 9 tháng tuổi mà gặp người lạ cũng như người quen, chú đều “vui vẻ bắt chuyện”, vẫy đuôi chào hỏi. Thấy vậy, cô chủ vội vã cho chú đi “học” để biết phân biệt thân, sơ. Sau khi kết thúc khóa học, chú không còn bạ ai theo đấy như trước nữa”, anh Dương Văn Tuân (huấn luyện viên tại trung tâm PDS) nhớ lại.

“Có chú lại im như thóc, không biết sủa, suốt ngày lầm lũi một mình. Thế là ông chủ lại tức tốc đưa chú đến đây, nhờ chúng tôi giúp. Vào trường, những chú chó đặc biệt này sẽ được sinh hoạt cùng những anh, chị “lắm lời”. Sau đó, cho tiếp xúc với “quân xanh” (những người đóng giả là kẻ thù, con mồi – PV) để khơi dậy bản năng tiềm ẩn của loài chó. Dù hiền lành đến cỡ nào chú cũng phải lên tiếng. Một khi đã bị khiêu khích, những “học trò” này còn phản ứng dữ dội hơn các “học viên” bình thường”, anh Tuân tiếp lời.

Chó không biết sủa hay còn gọi là chó câm cũng có nhiều dạng. “Có con bẩm sinh đã vậy. Trước đây, ở trung tâm này cũng có một trường hợp như thế. Mặc dù, nó vẫn nhận biết mọi thứ bình thường nhưng sủa không thành tiếng, chỉ như cá ngáp. Có con lúc nhỏ bình thường nhưng càng lớn càng ít sủa. Trường hợp này thường do bị nhốt quá nhiều, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không thích sủa nữa. Những trường hợp như vậy không nhiều nhưng huấn luyện được không phải chuyện dễ”, anh Tuân phân tích.

Nghề “gõ đầu chó” phải tiêm phòng dại định kỳ

“Làm nghề này quan trọng phải kiên nhẫn, dũng cảm và hiểu được tâm tính của từng giống chó. Trước hết, người huấn luyện phải tạo được mối quan hệ thân thiết với từng chú chó, kết hợp với việc thưởng – phạt phân minh. Vì mỗi giống lại có đặc điểm và trình độ nhận thức khác nhau, như các giống: Alaska, Husky, Berger, Doberman vừa tiếp thu nhanh vừa dễ bảo; trong khi chó Ngao Tây Tạng thì chậm chạp nhưng rất trung thành; riêng giống Fox sóc lại thích làm theo bản năng và được cưng, chiều nên rất khó bảo”, anh Hảo lý giải.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Nhiều chú chó được chủ quá cưng chiều nên khi áp dụng kỷ luật rất khó. Mặt khác, sau khi huấn luyện, việc chuyển giao khẩu lệnh cho khách hàng còn gặp nhiều khó khăn.

“Bởi đa phần, họ chưa hiểu được nguyên tắc huấn luyện. Huấn luyện là tạo phản xạ có điều kiện vì vậy phải có sự nhất quán. Nhưng khá nhiều khách hàng lại không làm được điều đó. Nay thế này, mai thế khác, hôm nào vui thì cho chó ăn cùng, lúc bực tức lại đuổi nó ra. Thành thử, chúng không biết đằng nào mà lần. Vì thế, trong khi huấn luyện, ít nhất 10 ngày khách hàng nên đến trung tâm 1 lần, để nhận khẩu lệnh và thực hành kỹ năng với thú cưng”, anh Hảo nói.

“Để đạt kết quả cao trong huấn luyện, các “học viên đặc biệt” thường được kèm cặp theo chế độ “một thầy – một trò”. Mỗi ngày, một chú chó được huấn luyện 2 lần, mỗi lần kéo dài 60 phút. Với số lượng như hiện nay, mỗi người phải phụ trách 5, 6 chú chó. Đồng thời, chịu trách nhiệm từ A đến Z cho các “học viên nội trú”, anh Hạ Đạt Hảo, PGĐ trung tâm PDS kiêm huấn luyện viên trưởng cho biết.

“Trong nghề huấn luyện chó, chuyện bị chó cắn là hết sức bình thường. Vất vả và nguy hiểm nhất là làm “quân xanh”, để rèn luyện cho các học trò bốn chân kỹ năng canh gác đồ vật và bảo vệ chủ… Khó và nguy hiểm nhất là huấn luyện chó không biết sủa vì chúng có những phản ứng thất thường, khó lường trước được. Nếu không vững vàng nghiệp vụ và có lòng dũng cảm thì thầy giáo chấn thương như cơm bữa. Vì thế, ở đây các huấn luyện viên đều phải tiêm phòng dại định kỳ”, một HLV lâu năm tại Trung tâm PDS bộc bạch.

Hiện nay, một số trung tâm không chỉ nhận huấn luyện chó bằng tiếng Anh mà còn đào tạo bằng nhiều thứ tiếng khác như: Tiếng Pháp, Hà Lan, Trung Quốc… Học phí cho những khóa học như thế thường giao động từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Đa phần, người nước ngoài mới có nhu cầu dạy ngoại ngữ cho thú cưng.

Theo Báo Gia Đình & Xã Hội

Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét