Với những đặc điểm độc nhất vô nhị, cá mặt trăng được coi là một trong những loài cá lạ lùng nhất trong thế giới đại dương.
Ngoài ra, loài này còn có tên gọi là cá mặt trời, bởi người ta tin chúng tắm nắng trên mặt biển vì thường thấy chúng bơi ì ạch sát mặt nước.
Loài cá này có thân hình tròn, dẹp và ngắn ngủn, nhìn từ xa, sinh vật này trông giống như một cái đầu khổng lồ đang di chuyển vật vờ trong đại dương.
Cùng với hình thù lạ, cá mặt trăng sở hữu một kích thước siêu “khủng”. Cá trưởng thành có thể dài tới 5,5m, nặng 1.400kg.
Chính vì thế, nên hầu hết thời gian, cá mặt trăng để cho cả khối thân mình đồ sộ trôi tự do theo các dòng nước. Những con trưởng thành thích trôi nghiêng một bên.
Cá mặt trăng là một trong những loài cá đẻ nhiều trứng nhất trong các loài cá ở đại dương. Dù cá mặt trăng chỉ mang thai trong 3 tuần, nhưng có thể đẻ mỗi lần khoảng 300 triệu trứng.
Địa bàn sinh sống chủ yếu của cá mặt trăng là các vùng biển nhiệt đới, trong đó có Biển Đông của Việt Nam. Theo Sách Đỏ Việt Nam, đây là một loài cá quý hiếm, cần phải được bảo vệ đặc biệt.
Loài cá này rất hiếm khi xuất hiện ở vùng biển Việt Nam, cá mặt trăng được ghi nhận có ở vịnh Bắc Bộ (Bạch Long Vĩ).
Ngoài ra, mới đây, ngư dân ở Nghệ An đã bắt được con cá mặt trăng lớn nhất từ trước tới nay.
Theo thông tin trên tờ Zing.vn, vào sáng 23/8, cá mặt trăng hơn nửa tấn đã mắc lưới ngư dân tại Quỳnh Lưu.
Anh Nguyễn Minh Vương , ở xóm Đại Bắc, huyện Quỳnh Lưu, là thuyền trưởng đưa con cá khổng lồ này cập cảng và tiến hành trục vớt con cá mặt trăng quý hiếm nặng hơn 5 tạ lên bờ.
Sau 2 tiếng đồng hồ, cả tàu mới vớt được con cá lớn lên thuyền và xác định là loại cá mặt trăng quý hiếm. Cá nặng hơn 500kg, chiều dài 2,8m, bề rộng tính cả vây là 2,5m và đã chết khi được kéo lên.
Anh Vương cho biết, lần đầu tiên anh và các thuyền viên thấy con cá mặt trăng to như vậy.
Con cá này đã được các thuyền viên tiến hành liên hệ hiến tặng cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, phục vụ trưng bày và nghiên cứu.
Tờ Người lao động đưa tin, trước đó vào ngày 8/9, cũng tại Nghệ An, tàu cá của ngư dân Đào Ngọc Huân (ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), trong quá trình đánh bắt hải sản trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ thì bất ngờ phát hiện cá mặt trăng.
Con cá này được xác định dài 1,4m, rộng 1,6m, nặng 120kg mắc lưới.
Nghe tin ông Huân đánh được cá mặt trăng, ông Bùi Văn Cần, người thường xuyên liên lạc với cán bộ của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, đã đến vận động chủ tàu hiến tặng cá cho bảo tàng, phục vụ nghiên cứu khoa học và được chủ tàu đồng ý.
Cá mặt trăng có tên khoa học là Mola mola, thuộc bộ cá nóc (Tetraodontiformes). Đây là loài cá nằm trong Sách đỏ Việt Nam, xếp vào loài nguy cấp, cần bảo vệ.
Theo Soha.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét