Những người chỉ mới nghe đồn chắc chẳng tin hai ngôi làng kề cạnh mà đến vài trăm năm không có cưới xin. Nhưng câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích lại đang hiện hữu ở xã Lý Nhân, cách trung tâm thành phố Phủ Lý chưa đầy 20km, dù trai gái hay tình hữu giữa những người dân ở hai làng vẫn vô cùng thân thiết.
Lời thề truyền kiếp
Câu chuyện chỉ được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, không được ghi lại trong bất cứ thần phả, tộc phả nào nhưng con cháu ở 2 làng sau này đều tin và nguyện thực hiện lời nguyền ấy.
Tìm gặp những vị cao niên trong làng để chứng thực câu chuyện trên, các cụ cao tuổi 2 làng đều kể lại một câu chuyện. Theo các cụ xưa kể lại thì trước đây, 2 làng Quang Ốc và Nội Rối là thông gia với nhau. Con gái của Trường bạ làng Quang Ốc kết hôn với con trai Trưởng bạ làng Nội Rối. Cuộc sống của hai làng vẫn êm ả, yêu quý nhau nhưng đến khi cuốn sổ ghi chép điền thổ (địa chính) của gia đình ông Trưởng bạ làng Quang Ốc bị mất thì xung đột xảy ra.
Câu chuyện ly kì được cụ Cao Văn Trạc (88 tuổi), cao niên làng Nội Rối kể lại rằng: số là, hôm đó bên nhà Trưởng bạ làng Quang Ốc có giỗ, cô con dâu đã xin phép bên chồng về nhà ăn giỗ. Khi trở về nhà, cô dâu thấy bố chồng cũng đem quyển sổ bìa xanh như ở bên nhà mình thì có kể lại cho chồng và bố chồng. Trưởng bạ làng Nội Rối nghe vậy liền bảo con dâu về nhà lấy cho mượn cuốn sổ màu xanh đó (sổ điền thổ). Đứa con dâu tốt bụng dù nghi nghờ nhưng đã quay về lấy cuốn sổ đưa cho bố chồng coi mà không xin cha đẻ của mình vì tưởng bố chồng xem xọng rồi trả. Có được cuốn sổ trong tay, Trường bạ làng Nội Rối không màng đến tình thông gia giữa 2 làng mà mang sổ đi nộp thuế, xem đây như đất làng mình rồi chiếm luôn đất, của làng Quang Ốc.
Lúc này Trưởng bạ làng Quang ốc mới biết được sự tình là sổ điền đã bị lấy mất, liền đi đến quan để phân rõ sự tình, nhưng chỉ nói mà không có sổ nên quan không đồng ý. Biết thất thế, nên Trưởng bạ làng Quang ổc đã huy động bà con, thanh niên trong làng ngay trong một đêm đào, đắp một con đường mà làng Nội Rối chưa cắm đất của mình để phân rõ ranh giới đất đai của hai làng. Để cho chắc chắn, người dân trong làng huy động toàn bộ nhân lực di chuyển đình làng từ giữa làng ra ngoài gần con đường mới đắp, ngoảnh hẳn mặt về phía làng Nội Rối để khẳng định “chủ quyền” của làng. Sau đấy, một cuộc họp trong làng được tổ chức tại đình Quang Ốc.
Vạt cỏ xanh cao chạy dài chính là vết tích đắp đất năm xưa của người làng Quang Ốc
Nguyên nhân mất sổ điền là do con gái của Trưởng bạ đánh cắp mang sang nhà chồng, gây tổn hại đến đất đai của làng. Để không có chuyện tương tự nào xảy ra nữa mọi người trong buổi họp đã thống nhất đưa ra lời thề là “Từ nay và về sau gái làng Quang Ốc sẽ không lấy trai làng Nội Rối”. Để chứng minh và dặn dò con cháu sau này các cụ đã dùng chiếc đinh gỗ đóng vào cột đình, aị muốn kết hôn với người Nội Rối thì phải nhổ chiếc đinh đó ra nếu không sẽ vướng phải lời thề độc: chết 1 đời cha, 3 đời con. Gần 400 năm naỵ, chiếc đinh vẫn “yên vị” một chỗ và lời thề vẫn chưa được phá bỏ.
Cụ Nguyễn Văn Cửu, năm nay gần 100 tuổi và là người cao tuổi nhất làng Quang Ốc, cho biết hàng trăm năm qua, trai gái hai làng không lấy nhau là có thật.
Tuy nhiên, lời nguyền ấy không chỉ được kể truyền miệng từ đời nàỵ sang đời khác mà người dân ở hai làng đến tận bây giờ vẫn có những “bằng chứng thép”. Mép đất đang còn ở cánh đồng của hai làng mà các cũ cao niên kể được làng Quang Ốc đào trong một đêm để phân chia đất đai giữa 2 làng. Mép đất chạy dài 1 km từ cầu Cao đến xã Nhân Đạo hiện nay. Cũng theo lời các cụ 2 làng kể lại, vì dân làng vội vã đắp đất trong đêm mà nhiều người bị sứt tay, mẻ chân. Chiếc đinh trong cột đình vẫn còn lại đó, và đặc biệt xưa nay chỉ có đình làng Quang Ốc mới dựng ở đầu làng, cách mép đất khoảng 100m, hướng về phía làng Nội Rối, theo như chuyện xưa kể là để làm bằng chứng cho làng bên không lấy được đất.
Cuốn “thần phả sống”
Theo các cụ cao niên tại hai làng Quang ốc và Nội Rối, nguyên cớ của việc trai gái hai làng mấy trăm năm qua không qua lại kết hôn với nhau chẳng phải do oán nặng thâm thù gì, chẳng biết có phải qua lời nguyền xưa hay không nhưng quan hệ giữa hai làng rất tốt, chưa bao giờ xảy ra chuyện xích mích.
Nhắc về câu chuyện này, nhiều người dân hai làng Quang Ốc và Nội Rối cho biết đều được nghe các cụ kể lại và việc hai làng hàng trăm năm qua không có một đôi trai gái nào lấy nhau là đúng sự thật.
Làng Quang Ốc và Nội Rối nay chỉ cách nhau một bờ đất, đi trên đường chính chỉ mất 10 phút từ làng này sang làng kia. Câu chuyện lời thề của tổ tiên xưa vẫn còn hiện hữu vào đời sống văn hóa, tâm linh của con cháu họ hôm nay. Những ngôi nhà cao tầng, khang trang, những con đường đổ bê tông là diện mạo mới ở hai làng Quang – Nội hôm nay, con cháu hai làng cũng kết tình bạn hữu, lứa học sinh 2 làng học cùng lớp, cùng trường có những tình bạn đẹp nhưng ngay cả ý định kết hôn giữa trai gái hai làng thì không hề có. Cụ Cửu kể: “Con cháu chúng tôi lớn lên đều được nghe những người già kể lại, những ngày hội đình chúng tôi cũng nhắc lại chuyện xưa để giải thích câu chuyện đinh đóng cột đình, trai gái trong làng tự ý thức được lời nguyền chắc như đinh đóng cột ấy”.
ông Nguyễn Văn Điều (67 tuổi) chỉ chiếc đinh đóng vào cột đình ghi lại lời thề xưa của người làng Quang Ốc
Cụ Trạc cũng khẳng định: “Mọi mối quan hệ của hai làng đều tốt đẹp nhưng chúng tôi thấy không nhất thiết phải nhổ chiếc đinh ở cột đình đó ra, là do con cháu tự nguyện và dường như cũng bị ám ảnh bởi lời nguyền này”.
Tìm gặp những người trẻ trong làng, câu chuyện họ kể như những lời cha ông họ nhắc lại. Anh Cao Văn Đĩnh là thanh niên làng Nội, hiện đang là giáo viên trường THCS Đạo Lý chia sẻ: “Từ thời chúng tôi hay học sinh của tôi bây giờ đều có những người bạn thân thiết ở làng bên nhưng ám ảnh bởi lời nguyền chứ chẳng phải do cha mẹ cấm đoán gì nên không yêu và cũng chẳng kết hôn với nhau”.
Bác Trần Đại Cải (SN 1952), người trông coi đình làng Quang Ốc dẫn chúng tôi đi thăm một vòng đình làng không quên kể lại chuyện 400 năm trước. Dường như câu chuyện của hơn 400 năm về trước đã hiện hữu một cách khó hiểu, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân ở hai làng và văn hóa của họ.
Theo Báo Điện Tử Một Thế Giới
0 nhận xét:
Đăng nhận xét